Áp dụng truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1: Mô hình từ trang trại thanh long Bình Thuận
(VietQ.vn) - Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp - Quacert vừa thực hiện đánh giá sự phù hợp của Hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn GS1 tại mô hình Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam ( huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Thực hiện nhiệm vụ “Phổ biến hướng dẫn và thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu của GS1”, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã triển khai thí điểm 3 mô hình, trong đó có mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc (TXNG) theo chuẩn GS1 cho trang trại thanh long của Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam ( huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Nhận thức việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp rất quan trọng đối với khâu sản xuất thực phẩm cho người tiêu dùng, Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam rất quan tâm áp dụng công nghệ TXNG vào quy trình nuôi trồng sản xuất nông sản cho trang trại trồng thanh long.

 Thanh long là sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Thuận, việc áp dụng TXNG đang được địa phương này đẩy mạnh nhằm nâng cao giá trị cũng như thuận lợi trong hoạt động giao thương, xuất khẩu.

Từ tháng 5/2020- 5/2021 với sự hỗ trợ của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Trung tâm Chứng nhận phù hợp – Quacert, Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam đã bắt tay vào triển khai xây dựng, áp dụng TXNG theo tiêu chuẩn của GS1.

Đề cập đến việc thực hiện triển khai hướng dẫn áp dụng hệ thống TXNG theo GS1 cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, để có hệ thống TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1 toàn cầu, doanh nghiệp phải trải qua quá trình thực hiện và đánh giá qua nhiều khâu, trong đó:

Khảo sát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu TXNG: Đánh giá hiện trạng tổ chức quản lý sản xuất, sơ chế. Xác định các điểm kiểm soát trọng yếu và các phần tử dữ liệu chính; Xác định các bên tham gia truy xuất; xác định các dữ liệu cần thu thập, lưu trữ, chia sẻ giữa các bên tham gia chuỗi truy xuất và khách hàng cuối cùng; Xác định loại vật mang dữ liệu phù hợp và phương án sử dụng vật mang dữ liệu.

Tổ chức đào tạo, tập huấn: Thực hiện đào tạo các nội dung nhận thức chung về TXNG; giới thiệu tiêu chuẩn TXNG GS1; hướng dẫn xây dựng tài liệu; chuyên gia đánh giá nội bộ về TXNG.

Xây dựng hệ thống tài liệu: Xây dựng các loại tài liệu, biểu mẫu thực hiện TXNG phù hợp tiêu chuẩn TXNG GS1 và nhu cầu thực tiễn.

Hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu vào thực tiễn: Tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu, các tài liệu đã được xây dựng vào thực tiễn.

Hướng dẫn đánh giá nội bộ: Hướng dẫn chuẩn bị đánh giá, hướng dẫn kỹ năng đánh giá và thu thập thông tin, hướng dẫn ghi nhận phát hiện đánh giá, hướng dẫn lập kết luận đánh giá và các báo cáo.

Hướng dẫn khắc phục các nội dung không phù hợp sau đánh giá nội bộ: Hướng dẫn phân tích các nguyên nhận và xác định hành động khắc phục, hướng dẫn thực hiện hành động khắc phục, hướng dẫn kiểm tra bằng chứng khắc phục, hướng dẫn kiểm tra xác nhận hiệu lực hành động khắc phục.

Hướng dẫn sử dụng hệ thống TXNG NBC-TRACE: Hướng dẫn đăng ký tài khoản; Hướng dẫn cập nhật thông tin tài khoản; Hướng dẫn kê khai thông tin quản trị hệ thống; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất; hướng dẫn cập nhật thông tin nhật ký sản xuất, thu hoạch; Hướng dẫn kê khai nhật ký sơ chế, kích hoạt tem truy xuất; Hướng dẫn kê khai thông tin các công đoạn tiếp theo trong chuỗi cung ứng.

Theo ông Đoan, sau khi triển khai các khâu tại doanh nghiệp, đến nay Công ty Thuận Nam đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, hiệu lực hệ thống truy xuất nguồn gốc được duy trì, tuân thủ tốt các yêu cầu về “Định danh – thu thập – lưu trữ - chia sẻ”.

 Chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) khảo sát vùng trồng thanh long của Công ty Giống cây trồng Thuận Nam (Bình Thuận).

Theo đại diện Công ty Thuận Nam, việc áp dụng TXNG theo chuẩn GS1 giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý nội bộ, trong đó, hoạt động này giúp thống kê phân tích các hoạt động trong quá trình sản xuất, tìm ra giải pháp thích hợp để quản lý sản xuất hiệu quả.

“Thông qua việc áp dụng các công nghệ tiến tiến, TXNG giúp minh bạch về thông tin hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời phát hiện những điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm hàng hóa. Từ việc ứng dụng thành công công nghệ TXNG sản phẩm trong các khâu sản xuất, để đưa ra các sản phẩm chất lượng tối ưu nhất cho người tiêu dùng. Không chỉ thế, chúng tôi mong muốn chủ động việc tiêu thụ sản phẩm, hướng tới việc áp dụng hệ thống TXNG cho các sản phẩm khác trong hệ sinh thái các đơn vị sản xuất nông nghiệp của công ty”, đại diện Công ty TNHH Thuận Nam cho biết.

Thanh Uyên


Các tin tiếp
Phân cấp quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu   (24/3/2023)
Một số kết quả chủ yếu trong việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Bình Thuận trong năm 2022   (13/1/2023)
Một số phương pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa   (11/1/2023)
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa   (15/12/2022)
Mã LEI – tương lai mới cho nhận dạng pháp nhân toan cầu   (3/12/2021)
Hơn 150 triệu sản phẩm đã được xác minh bởi GS1   (1/12/2021)
Áp dụng truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1: Mô hình từ trang trại thanh long Bình Thuận   (27/5/2021)
Thông báo: Chi cục TC-ĐL-CL Bình Thuận mời các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia Tập huấn về hệ thống truy xuất nguồn gốc   (4/3/2021)
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về sử dụng mã số, mã vạch   (3/3/2021)
Các bước xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm   (23/10/2020)