Thực hiện Kế hoạch số 752/KH-UBND ngày 03/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và văn bản số 2201/UBND-KGVXNV ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh, sáng ngày 16/10/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Tham dự hội có ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chủ trì hội nghị cùng các khách mời là đại diện các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, các Hiệp hội doanh nghiệp, chủ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị được tổ chức nhằm trang bị, cập nhật các kiến thức cơ bản về TXNG và hệ thống TXNG giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn vai trò của việc áp dụng TXNG trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa; đồng thời đưa ra các định hướng triển khai hoạt động áp dụng TXNG trong thời gian tới đáp ứng theo các quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh có định hướng đúng đắn, phù hợp áp dụng TXNG cho các sản phẩm, hàng hoá đơn vị mình sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, các khách mời đã được nghe ông Phạm Văn Quân – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Checkee trao đổi các chuyên đề về truy xuất nguồn gốc như: Các khái niệm về TXNG - Thực trạng truy xuất nguồn gốc (TXNG) tại Việt Nam; Một số TCVN về truy xuất nguồn gốc cơ bản; Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN của Bộ KH&CN Quy định về quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa; Hướng dẫn xây dựng quy trình TXNG phù hợp tiêu chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, tại hội nghị, đại diện của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng giới thiệu về hoạt động áp dụng mã số mã vạch.
Ông Phạm Văn Quân – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Checkee, báo cáo các chuyên đề về truy xuất nguồn gốc
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn truy xuất nguồn gốc
Hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, TXNG giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hoá, tạo được sự tin tưởng cho khách hàng; bảo vệ uy tín doanh nghiệp và sản phẩm hàng hoá của mình. Qua đó, giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường không chỉ trong nước và mà cả thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về TXNG hàng hoá trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý, đây chính là công cụ hữu ích phục vụ công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hoá và là một trong những biện pháp thi hành để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất một cách nhanh chóng, chi tiết và chính xác nhất, qua đó lựa chọn những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Quang Luận