Nhiều doanh nghiệp vẫn ‘thờ ơ’ với phòng vệ thương mại

(VietQ.vn) - Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây.



Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Ảnh minh họa.

Số vụ việc phòng vệ thương mại tăng dần

Số liệu thống kê chỉ ra, tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%.

Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ… Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, tập trung nhiều ở sản phẩm kim loại, nông, lâm, thủy sản và sợi.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Australia có hiệu lực từ 01/01/2022 được đánh giá là đòn bẩy mới trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào một số thị trường quan trọng như khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Việc tham gia hiệp định này mở ra thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước RCEP đạt 132,32 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu 238,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020.

Sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu trong những năm qua đã cho thấy năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được và dần tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải đề nghị Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Hơn nữa, đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện. Ngay khi vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng chưa biết xử lý ra sao do không nắm rõ luật.

Sẵn sàng ứng phó

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần phải nhận thức đầy đủ về công cụ này. Doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn.

Yếu tố thứ hai là các doanh nghiệp, các ngành sản xuất cần phải coi công cụ phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là những rào cản mà doanh nghiệp có thể gặp trong quá trình xuất khẩu để có phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải. Đây là yếu tố rất quan trọng các doanh nghiệp cần tính tới trong chiến lược phát triển sản xuất, phát triển xuất khẩu. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ đối với vấn đề này, nước đến chân mới bắt đầu nhảy.

Cùng với đó, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đầu tiên là Bộ Công thương, tiếp theo là cơ quan điều tra nước ngoài.

Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với việc điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định trong việc có giảm thiểu tác động bất lợi của các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Về dài hạn, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý những vấn đề như đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Nếu phụ thuộc vào một thị trường, khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì tác động có thể sẽ rất lớn và có thể gây thiệt hại hoặc không thể khắc phục được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như nguồn gốc chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố để doanh nghiệp có thể giảm thiểu được tác động là phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.

Thanh Tùng


Các tin tiếp
Định hướng về hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal nhận được sự quan tâm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tỉnh Bình thuận để nâng cao năng suất   (10/4/2024)
Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại   (16/1/2024)
Tham dự hội nghị tuyên truyền phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế   (6/12/2023)
Nhiều doanh nghiệp vẫn ‘thờ ơ’ với phòng vệ thương mại   (7/7/2022)
Hỗ trợ thực hiện thủ tục về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa   (23/9/2021)
QR Code – Giải pháp thông minh truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong đại dịch Covid-19   (17/9/2021)
Quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030   (10/6/2021)
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030   (22/9/2020)
Gian lận mã số vùng trồng nông sản Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu   (15/9/2020)
Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại"   (18/3/2020)
Cảnh báo đối với Quy định Thực thi của EU về việc biểu thị tên nước xuất xứ của thành phần chính của thực phẩm   (4/6/2018)
DN sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU   (2/5/2018)
Tổng quan các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam và các nước đối tác   (9/10/2017)
Xuất khẩu điều vào EU sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm 2017   (8/6/2017)
Cơ hội cho rau quả Việt Nam rộng đường sang UAE   (8/6/2017)
Cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Ai Cập   (8/6/2017)
Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: Châu Á vẫn là trọng điểm   (20/4/2017)
Qui định về kiểm dịch khi nhập khẩu hàng hoá vào Úc (phần 2)   (21/7/2015)
Đàm phán của WTO về định nghĩa tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bị đình trệ   (21/7/2015)
FDA cho phép bức xạ ion hóa để kiểm soát vi khuẩn trong giáp xác   (21/7/2015)
Thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào New Zealand   (21/7/2015)
Thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản   (21/7/2015)
Hàng rào kỹ thuật thương mại: Nắm không chắc sẽ gặp khó   (21/7/2015)
Chỉ kiểm tra giấy kiểm dịch cho thủy sản xuất khẩu sang 7 thị trường   (21/7/2015)