Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có thể khác nhau về cường độ và tần số, biến đổi theo thời gian và gây cho con người những cảm giác khó chịu, ngăn cản sự nhận biết, cảm thụ những âm thanh khác đồng thời ảnh hưởng đến trao đổi tin tức, đến thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ, ảnh hưởng đến điều kiện làm việc và nặng hơn là ảnh hưởng đến sức nghe, sức khỏe của con người.
Cơ quan thính giác của con người tuy có khả năng thích nghi, tự bảo vệ với tác động của tiếng ồn; khi có tiếng ồn mạnh độ nhạy của thính giác giảm xuống và sau khi tiếng ồn ngừng được 2 – 3 phút thì thính lực sẽ hồi phục trở lại. Nhưng khả năng thích nghi của con người cũng chỉ có giới hạn, chỉ sau 1 phút tác dụng của tiếng ồn ở vùng tần số từ 1800 – 2000 Hz với mức âm 85 – 90 dB có thể giảm thính lực từ 10 – 11 dB. Nếu thời gian tác động của tiếng ồn mạnh hơn và kéo dài thì có hiện tượng mệt mõi thính lực dẫn đến khả năng phục hồi kém dần, cuối cùng là không thể phục hồi. Ngoài ra, sự thích nghi còn phụ thuộc vào tính mẫn cảm của từng cơ thể, giới tính, sức khỏe, tuổi tác,…
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 dB tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.
Ở Việt Nam, tiếng ồn được quy định tại quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT quy định giới hạn tối đa tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc, theo đó mức tiếng ồn tối đa là không quá 70bBA; còn tại quy chuẩn QCVN 24:2016/BYT quy định mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc, theo đó mức tiếng ồn cao nhất tại các vị trí làm việc, sản xuất trực tiếp không được vượt quá 85dBA và thời gian tiếp xúc tối đa là 8 giờ, nếu tiếng ồn tăng thêm 3dBA thì thời gian tiếp xúc giảm đi một nửa và trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt quá 115 dBA.
Việc người lao động phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn cao sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động, suy giảm thính lực và nguy cơ bị bệnh điếc nghề nghiệp. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh điếc nghề nghiệp là bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay. Không những thế, tiếng ồn còn có tác hại đến cơ quan khác như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa.
Để bảo vệ sức khỏe trước các loại tiếng ồn có hại trong môi trường làm việc, môi trường sống xung quanh, chúng ta cần có các biện pháp như giảm tiếng ồn từ nơi phát sinh hoặc cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn; sử dụng các dụng cụ chống tiếng ồn; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần đối với những người làm việc ở nơi có tiếng ồn lớn; hạn chế thời gian tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần quan trắc môi trường lao động định kỳ để giúp phát hiện sớm các nguy cơ, rủi ro liên quan đến tiếng ồn và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, xử lý và cải thiện chất lượng môi trường làm việc.
Hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận với đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác đo kiểm môi trường lao động tại hiện trường, thực hiện quan trắc nhanh, chuyên nghiệp không ảnh hưởng tới công việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở sử dụng. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quan trắc chất lượng môi trường xung quanh, môi trường lao động vui lòng liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận để được tư vấn và hướng dẫn.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận
Địa chỉ: Khu dân cư Bắc Xuân An – P. Xuân An – TP. Phan Thiết – Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3822390 – 0252 3699699
Website: tdcbinhthuan.vn
Email: trungtamtdc.binhthuan@gmail.com
Thùy Duyên