Dư lượng NO3 là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng rau quả. NO3 lần đầu tiên được phát hiện như dạng độc chất tồn dư trong nông sản, gây hại sức khỏe con người vào năm 1945. Mặc dù NO3không độc với thực vật nhưng nếu sản phẩm cây trồng được con người sử dụng, đặc biệt là bộ phận lá, NO3 được khử thành NO2 trong quá trình tiêu hóa lại là một chất độc, vì NO2 dễ phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, là chất gây ung thư dạ dày.
Mặt khác, trong cơ thể con người, do sự khử NO3 nhanh hơn sự chuyển đổi NO2 nên nhanh chóng bị tích tụ, làm mất khả năng vận chuyển oxy trong máu, đồng thời hạ huyết áp và ở nồng độ cao cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tăng nguy cơ sảy thai ở người.
GS.TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, NO3 tức phân đạm vào cơ thể ở mức độ bình thường thì không gây độc, nhưng nếu hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép thì rất nguy hiểm. Bởi NO3 là gốc của phân đạm, nếu bón quá liều, hoặc chỉ bón phân đạm, không bón cân đối với phân chuồng, lân, kali, không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch chúng sẽ tích lũy nhiều trong lá rau. Khi vào cơ thể với hàm lượng cao, NO3 sẽ phản ứng với các axit amin thành chất gây ung thư gọi là nitrosamin. Có 4 yếu tố làm cho rau không an toàn, đứng đầu bảng là NO3; sau đó lần lượt là kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen) đến từ nước thải công nghiệp; thuốc BVTV và cuối cùng là vi sinh vật gồm E.coly, Salmonella, trứng giun. Chính vì vậy, các nước nhập khẩu rau, đặc biệt là Nga và EU bao giờ cũng phải kiểm tra NO3, sau đó mới tới các thành phần khác, nếu quá liều thì họ trả lại ngay. Để hạn chế NO3, GS.TS Trần Khắc Thi cho rằng, nên tránh ăn rau quá xanh vì chúng hấp thu nhiều NO3. Khi bón phân đạm, NO3 chỉ tập trung ở bộ phận lá, còn quả là bộ phận thứ cấp, tích lũy rất ít nên mức độ độc hại thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, tùy từng loại rau, tùy trọng lượng cơ thể người và lượng ăn vào để xác định hàm lượng NO3 sao cho trong ngưỡng an toàn.
Để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu ra các thị trường khó tính, đòi hỏi cơ sở và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thường xuyên gửi mẫu tới các trung tâm kiểm nghiệm đã được các Bộ, ngành chỉ định để thực hiện việc kiểm tra giám sát chất lượng rau quả.
Hiện nay, phòng Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL Bình Thuận đang thực hiện phân tích dư lượng Nitrat trong rau quả trên máy sắc ký lỏng cao áp HPLC với giới hạn phát hiện ở mức 50 ppm, thời gian phân tích khá nhanh trong 1 ngày kể từ lúc nhận mẫu. Bên cạnh đó, phòng Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL luôn duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2015, được Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường đánh giá chỉ định là phòng thử nghiệm Ngành Nông nghiệp & PTNN; và được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y Tế chỉ định là phòng thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm./.
Xuân Hiệp