Đất canh tác là nơi tập trung nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), các hóa chất này được đưa vào đất qua các nguồn như: phun xịt trên cây trồng, xử lý trực tiếp trên đất, ... Theo kết quả nghiên cứu thì phun thuốc cho cây trồng có tới 50% số thuốc rơi xuống đất, ngoài ra còn có một số thuốc rải trực tiếp vào đất. Khi vào trong đất một phần thuốc trong đất được cây hấp thụ, phần còn lại được keo đất giữ lại. Thuốc tồn tại trong đất dần dần được phân giải qua hoạt động sinh học của đất và qua các tác động của các yếu tố lý, hóa. Tuy nhiên tốc độ phân giải chậm nếu thuốc tồn tại trong môi trường đất với lượng lớn, nhất là trong đất có hoạt tính sinh học kém. Những khu vực chôn lấp hóa chất BVTV thì tốc độ phân giải còn chậm hơn nhiều.
Thời gian tồn tại của thuốc trong đất dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, một chỉ tiêu thường dùng để đánh giá khả năng tồn tại của thuốc trong đất là “thời gian bán phân hủy” - tức là thời gian tính từ khi thuốc được đưa vào đất cho tới khi một nửa lượng thuốc bị phân hủy, chỉ tiêu này được biểu thị bằng DT50. Ngoài ra, người ta còn dùng các trị số DT75, DT90 là thời gian để 75% và 90% lượng thuốc bị phân hủy trong đất.
Lượng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc BVTV nhóm Clo, nếu tồn tại quá lớn trong đất cộng với điều kiện khó phân hủy, chúng sẽ tồn tại trong đất và gây hại cho động, thực vật trong nhiều năm. Đồng thời, sau một khoảng thời gian nó sẽ chuyển sang một hợp chất mới, thường có độc tính cao hơn chất ban đầu. Ví dụ: sản phẩm tồn lưu của DDT trong đất là DDE cũng có tác dụng như thuốc trừ sâu nhưng tác hại đối với sự phát triển của phôi bào trứng chim độc hơn DDT từ 2-3 lần. Loại thuốc Aldrin cũng đồng thời với DDT, có khả năng tồn lưu trong môi trường sinh thái đất và cũng tạo thành sản phẩm “Dieldrin” mà độc tính của nó cao hơn Aldrin nhiều lần. Thuốc diệt cỏ 2.4-D tồn lưu trong môi trường sinh thái đất và cũng có khả năng tích lũy trong quả hạt cây trồng. Các thuốc trừ sâu dẫn xuất từ EDBC (acid etylen bis dithoacarbamic) như maned, propioned không có tính độc cao đối với động vật máu nóng và không tồn tại lâu trong môi trường nhưng dư lượng của chúng trên nông sản như khoai tây, cà rốt,...dưới tác dụng của nhiệt độ có thể tạo thành ETV (etylenthioure), mà qua ngiên cứu trên chuột sẽ gây ung thư và đẻ ra chuột con quái thai.
Hiện nay, tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm cùng với các trang thiết bị hiện đại đã phân tích các chỉ tiêu kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, nước, đất... một cách chính xác và nhanh chóng. Các tổ chức, các nhân có nhu cầu liên hệ với Trung tâm để được tư vấn và hỗ trợ:
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
04 Nguyễn Hội – Phan Thiết – Bình Thuận
Điện thoại: 0623.822.390
Như Linh