Sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện đại luôn gắn liền với việc sử dụng các phương tiện hoá học và sinh học trong sản xuất, bảo quản và chế biến, trong đó không thể không nói đến các hóa chất phòng trừ dịch hại. Với đặc điểm ưu việt là kinh tế, tiện lợi và hữu hiệu, việc sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) đã trở thành một công cụ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng các hóa chất BVTV một cách tràn lan, thiếu kiểm soát không những không mang lại hiệu quả trong việc phòng chống bệnh dịch mà ngược lại sẽ đem đến những hậu quả rất khó lường đối với cây trồng, chất lượng nông sản thu hoạch, môi trường sinh thái và cả sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng.
Hiện nay,để kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng.
Bình Thuận là một trong những địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn, nhất là thanh long với gần 10.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 200.000 tấn. Hiện nay, Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là thị trường không ổn định và ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành của sản phẩm. Như vậy, để đảm bảo được đầu ra ổn định cho trái thanh long thì cần phải mở rộng được thị trường xuất khẩu nhưng đây là điều không đơn giản vì ngoài Trung Quốc thì các thị trường xuất khẩu còn lại đều tương đối khó tính. Do đó, để có được sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, người trồng cũng gặp không ít khó khăn khi phải thực hiện các tiêu chí này vì phải tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình gieo trồng, từ khâu làm đất, xuống giống đến bón phân, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và bảo quản. … Ngoài việc làm thế nào để con những trái thanh long to, đẹp, ngon thì việc kiểm soát tồn dư của các hóa chất trên sản phẩm của mình là một vấn đề phải được quan tâm. Việc kiểm soát này có thể thực hiện được bằng nhiều cách khác nhau như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, kiểm tra trực tiếp trên thành phẩm nông sản của mình.
Hiện nay, phương pháp xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản có độ chính xác cao vẫn là thực hiện phân tích trên thành phẩm nông sản. Khách hàng có nhu cầu có thể gửi mẫu phân tích tại các đơn vị có chức năng về cung cấp dịch vụ thử nghiệm.
Trung tâm kỹ Thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận đã triển khai phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc các họ và nhóm gốc khác nhau, như thuốc trừ sâu họ lân, họ clor, họ cúc, họ carbamat, nhóm triazole, thuốc trừ cỏ với thời gian phân tích 2 ngày trên cả hai hệ thống thiết bị phân tích là hệ thống sắc ký khí GC/MS/ECD/NPD và hệ thống sắc ký lỏng đa tứ cực LC/MS/MS. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đã có các đơn vị thường xuyên gửi mẫu đến Trung tâm để kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật như: Siêu thị Coopmart, Chi cục bảo vệ thực vật Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây Thanh long, Công ty Thanh Long Hoàng Hậu, Công ty Rau quả Bình Thuận.
Có thể nói, việc Trung tâm triển khai phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên các thiết bị hiện đại đã giúp cho nông dân và các đơn vị chức năng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm nông sản của mình. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông sản “rộng cửa” hơn trên con đường xuất khẩu.