(VietQ.vn) - Các Hiệp định thương mại tự do FTA được đàm phán và ký kết giữa các quốc gia, khu vực đã khiến hàng rào thuế quan dần được hạ xuống, tạo thuận lợi cho thương mại song phương và đa phương, giúp dòng chảy thương mại lưu thông thuận lợi.
Năm 2020 kết thúc đã đánh dấu chặng đường 13 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO cho thấy chúng ta đã bắt đầu ở giai đoạn “trưởng thành” trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, năm 2020 cũng được đánh dấu là năm thành công trong việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Đảng và Nhà nước khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020. Tăng trưởng xuất khẩu với các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA và đa dạng hóa thị trường là những kết quả không thể phủ nhận từ những bước đi hiệu quả trong các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế nói trên.
Các Hiệp định FTA được đàm phán và ký kết giữa các quốc gia, khu vực đã khiến hàng rào thuế quan dần được hạ xuống, giúp thuận lợi cho thương mại song phương và đa phương, giúp dòng chảy thương mại lưu thông thuận lợi. Tuy nhiên, trong xu thế đó, thế giới lại chứng kiến các hàng rào phi thuế quan đang được xây dựng và áp dụng tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước.
Điển hình, theo số liệu thống kê năm 2020 của Ủy ban TBT của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các biện pháp TBT đã được các nước thành viên WTO xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trong năm 2020 tăng 84% so với năm 2010. Trong đó, theo Báo cáo hướng dẫn phân tích kinh tế về hàng rào phi thuế của Tổ chức Hội nghị Liên Hiệp Quốc về kinh tế và phát triển (UNCTAD) công bố tháng 12/2020, tính trung bình các biện pháp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) điều chỉnh đối với khoảng 65% hàng hóa nhập khẩu trong khi biện pháp về kiểm dịch động thực vật (SPS) điều chỉnh khoảng 17% hàng hóa nhập khẩu. Điều này cho thấy những tác động mà hàng rào kỹ thuật TBT có thể tạo ra đối với thương mại quốc tế không hề nhỏ.
Để dỡ bỏ và kiểm soát những hàng rào kỹ thuật không cần thiết cho thương mại thế giới, các nước đã cùng cam kết xây dựng các biện pháp TBT trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, thừa nhận các cơ chế nhằm tăng cường hợp tác thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp và đặc biệt tăng cường nghĩa vụ minh bạch hóa trong quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp TBT.
Đằng sau các cam kết này, doanh nghiệp chính là trung tâm và là mục tiêu của việc tạo thuận lợi thương mại. Trong cam kết TBT của EVFTA và RCEP đều đưa ra các cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đây chính là các cơ chế giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể như hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp, hình thành thỏa thuận hợp tác giữa các tổ chức công nhận và giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp, sử dụng công bố phù hợp của bên thứ nhất…
Ngoài ra, trong hai Hiệp định này đều có các điều khoản về hợp tác hoặc thuận lợi hóa thương mại. Nếu Chương TBT của RCEP cam kết tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung trong các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, tăng cường hợp tác trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp… thì Chương TBT của EVFTA cam kết tập trung xác định, xây dựng và tăng cường hoạt động GRP (thực hành quản lý tốt) thông qua các hoạt động hợp tác quản lý, sử dụng cách tiếp cận đánh giá rủi ro trong đánh giá sự phù hợp như sử dụng công bố phù hợp bên thứ nhất đối với sản phẩm rủi ro thấp để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp, tăng cường hợp tác trao đổi thông tin giữa các tổ chức tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và đo lường của hai bên…
Đặc biệt cam kết về minh bạch hóa trong Chương TBT của cả hai Hiệp định EVFTA và RCEP giúp doanh nghiệp có cơ hội được đóng góp ý kiến ngay từ khi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp đang trong quá trình xây dựng. Chính phủ hai bên phải bảo đảm quá trình này diễn ra minh bạch, phù hợp, không phân biệt đối xử và đủ thời gian cần thiết cho doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đồng thời cũng đủ thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ cho việc thực hiện quy định trong các biện pháp TBT này.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý chính là đối tượng phải thực thi cam kết, bảo đảm chính sách liên quan tới TBT phù hợp, tuân thủ các quy định đã thống nhất. Doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi thông qua các chính sách xây dựng, ban hành và áp dụng biện pháp TBT minh bạch, không tạo ra rào cản thương mại cho doanh nghiệp trong tương lai.
Những thuận lợi là vậy nhưng liệu có thể biến thuận lợi đó thành lợi thế hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính doanh nghiệp. Ví dụ nếu doanh nghiệp Việt Nam không biết tận dụng quyền lợi đóng góp ý kiến cho các biện pháp TBT ngay từ khi những rào cản TBT chưa hình thành thì thuận lợi đó mãi mãi không thể trở thành lợi thế, doanh nghiệp sẽ không thể chủ động trong hoạt động xuất khẩu của mình. Trong khi đó, doanh nghiệp của các nước đối tác của Việt Nam đã quen với việc tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính sách về TBT, họ nắm bắt trước các biện pháp TBT có thể sắp ban hành để chuẩn bị cho quá trình sản xuất, xuất khẩu, thậm chí nêu lên tiếng nói nếu thấy rằng biện pháp đó có thể gây trở ngại thương mại. Chính những hành động đó giúp những thuận lợi trong cam kết trở thành lợi thế trong xuất khẩu.
Với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, tương lai Việt Nam sẽ còn đàm phán nhiều các Hiệp định FTAs thế hệ mới với các thị trường khác nhau trên thế giới, việc tham gia và khai thác những thuận lợi từ các cam kết TBT trong các Hiệp định này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua rào cản kỹ thuật và giảm thiểu những rủi ro trong tương lai.
Tôn Nữ Thục Uyên