(VietQ.vn) - Với việc thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA), các "hàng rào thuế quan" gần như được dỡ bỏ, thay vào đó, các nước sẽ tăng cường triển khai các hàng rào kỹ thuật buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Việc chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Xu hướng áp dụng hàng rào kỹ thuật ngày càng tăng
Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới với việc tham gia một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA). Trong quá trình hội nhập, bên cạnh các cam kết của các thành viên về thuế quan thì nội dung rất quan trọng là tuân thủ thực thi các cam kết về các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại toàn cầu ngày càng tăng
Khi thực thi FTA, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ. Thay vào đó, các nước sẽ tăng cường xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade- TBT), bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và “các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật” (“biện pháp SPS”). Đây chính là một trong những hàng rào phi thuế quan và buộc DN phải đáp ứng.
Trong thương mại quốc tế, các biện pháp kỹ thuật này là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.
Các biện pháp TBT và biện pháp SPS được xây dựng, ban hành dưới dạng các văn bản khác nhau tùy vào hệ thống văn bản quy phạm của từng nước; đồng thời cũng thể hiện những mục tiêu khác nhau của mỗi nước, phản ánh những đặc trưng khác nhau của mỗi nước về điều kiện địa lý, trình độ phát triển, nhu cầu thương mại và tài chính…
Hệ thống quản lý chất lượng - chìa khóa tránh hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu.
Vì thế, cho đến nay, chưa một thể chế thương mại nào, kể cả WTO có thể thống nhất về một bộ các biện pháp kỹ thuật chung cho bất kỳ loại hàng hoá nào, mà chỉ có thể đưa ra các nguyên tắc chung các nước phải tuân thủ khi thông qua và thực thi các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hoá.
Đây chính là lý do vì sao các nước khác nhau có thể áp dụng mức giới hạn an toàn khác nhau cho cùng một sản phẩm, hàng hóa. Và vì vậy, với cùng một tiêu chuẩn áp dụng, nhưng sản phẩm đó có thể được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước này nhưng lại không được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước kia, dẫn đến yêu cầu bắt buộc về thu hồi sản phẩm.
Điển hình như hồi tháng 8/2021 vừa qua, một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã bị áp dụng quyết định thu hồi tại nước nhập khẩu, như sản phẩm mì Hảo hảo của Công ty ACECOOKS Việt Nam bị thu hồi sản phẩm tại Ireland, mì khô vị bò gà Thiên Hương bị thu hồi tại Na Uy… Những sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp về việc cần nắm rõ thông tin để tránh vi phạm những quy định của nước sở tại liên quan đến giới hạn an toàn của sản phẩm và các quy định khác về hàng rào kỹ thuật.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, chủ động tuân thủ hàng rào kỹ thuật
Ông Trần Việt Hòa- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT, SPS); khảo sát, đánh giá các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TCVN, QCVN) của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu; tham gia góp ý, hoàn thiện các văn bản về hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công thương).
Theo ông Trần Việt Hòa, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, DN xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó, sẽ giảm thiểu tối đa cho DN về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cụ thể, DN cần chủ động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin về TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Tăng cường khả năng cạnh tranh và có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các DN trong nước, giữa các DN trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia.
Để tránh rơi vào tình huống vi phạm các biện pháp TBT và SPS của nước nhập khẩu, dẫn đến các quyết định thu hồi, hoặc nghiêm trọng hơn là bị kiện bồi thường gây thiệt hại nghiêm trọng, DN cần chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường như ISO, 5S, HACCP, GMP… nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu- ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Đối với sản phẩm thực phẩm, việc nghiên cứu, rà soát và kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất là vô cùng quan trọng. Do vậy, DN cần thường xuyên rà soát, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng của sản phẩm do mình sản xuất trên cơ sở tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm trong suốt quá trình xuất hiện, tồn tại của sản phẩm từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, cần xây dựng phương án khắc phục các sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đang phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án của Chính phủ về tăng cường hàng rào kỹ thuật trong thương mại; đồng thời, rà soát hệ thống TCVN, QCVN liên quan đến ngành Công Thương để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch hoàn thiện hệ thống các hàng rào kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế và đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước. |
Lê Kim Liên