(VietQ.vn) - Hàng rào kỹ thuật trong thương mại hay gọi tắt là TBT là một trong các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo cam kết này, các biện pháp TBT được các nước trong đó có Việt Nam xây dựng, ban hành hay áp dụng không gây cản trở thương mại quá mức cần thiết. Để thực hiện điều này, các nước phải cân bằng được giữa việc tránh ban hành các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế với việc đưa ra các chính sách quản lý để đảm bảo các lợi ích hợp pháp của quốc gia. Đó là các lợi ích liên quan tới bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của người dân, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia… Tiêu chuẩn quốc tế chính là yếu tố đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích và nghĩa vụ này.
Theo thống kê của Ủy ban TBT thuộc WTO, bất chấp sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 làm cho thương mại thế giới bị ngưng trệ, số biện pháp TBT của các nước Thành viên WTO xây dựng, ban hành và áp dụng vẫn tăng từ 15-20% so với năm 2019.
Cụ thể năm 2020 các nước đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung 3352 biện pháp và năm 2021 là 3966 biện pháp. Cũng theo thống kê của WTO, đến hết năm 2020, các nước thành viên của tổ chức này thông báo đang xây dựng mới, sửa đổi và bổ sung khoảng 900 biện pháp liên quan tới dệt may (trong đó Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản gần 100 biện pháp) và gần 400 biện pháp liên quan tới gỗ (3 nước Hoa Kỳ, EU và Hàn Quốc chiếm 1/3 số biện pháp này).
Theo định nghĩa của Hiệp định TBT của WTO, quy chuẩn kỹ thuật sẽ gồm các quy định bắt buộc áp dụng liên quan tới đặc tính kỹ thuật, phương pháp sản xuất, chế biến, các quy định thủ tục hồ sơ quản lý và các quy định liên quan tới bao gói, ghi dấu, ghi nhãn, thuật ngữ, biểu tượng. Thủ tục đánh giá sự phù hợp gồm các quy trình sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để xác định việc đáp ứng các yêu cầu và quy định kỹ thuật hoặc các tiêu chuẩn liên quan của sản phẩm phẩm, hàng hóa.
Nhìn chung, đối với nhóm sản phẩm dệt may và gỗ, các biện pháp TBT được các nước xây dựng nhằm mục đích bảo vệ an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong đó có các quy định riêng với các sản phẩm dùng cho trẻ em. Nếu nhìn tổng quát, có thể chia các biện pháp TBT của các thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đối với dệt may thành các nhóm quy định liên quan tới quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp.
Để có thể xuất khẩu sản phẩm dệt may vào các thị trường này doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật và thực hiện các thủ tục đánh giá sự phù hợp để đảm bảo rằng các sản phẩm của mình đáp ứng các yêu cầu, quy định tương ứng bên cạnh các yêu cầu riêng của các nước thành viên như trường hợp của EU hoặc các yêu cầu riêng của nhãn hàng như trường hợp của H&M, UNIQLO…
Ví dụ với thị trường Hoa Kỳ, nhóm quy chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng dệt may sẽ bao gồm các quy định về tính cháy của sản phẩm, các quy định này nhằm đánh giá được khả năng cháy của sản phẩm qua đó cấm sử dụng các nguyên liệu dệt may bắt cháy nguy hiểm; quy định về ghi nhãn sản phẩm nhằm đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của các nhóm đối tượng doanh nghiệp như nhà sản xuất, gia công, đơn vị quảng cáo, người tiêu dùng… đối với việc cung cấp thông tin về thành phần vải, thương hiệu vải, hàm lượng vải… trên nhãn sản phẩm dệt may.
Ngoài ra còn các quy định kỹ thuật khác liên quan tới hóa chất và chất độc hại nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cụ thể đảm bảo hàm lượng hóa chất hoặc chất độc hại sẽ được kiểm soát ở các mức độ khác nhau không gây hại cho người tiêu dùng và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Riêng với trẻ em các nước như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều có các quy định kỹ thuật riêng nhằm đảm bảo an toàn cho nhóm đối tượng này như các quy định liên quan tới điểm nhọn, cạnh sắc, dây buộc, dây rút, dây luồn…
Tương tự như sản phẩm dệt may, để xuất khẩu sản phẩm gỗ, cụ thể vào Hoa Kỳ, EU và Hàn Quốc, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới các quy định kỹ thuật hay biện pháp TBT gồm quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp của các thị trường này. Ví dụ, EU sẽ có các quy định liên quan tới hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp hay chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm CoC (FSC.PEFC). EU cũng có các quy định về TBT để đảm bảo an toàn của sản phẩm khi được tiêu dùng như yêu cầu về an toàn chậm cháy, yêu cầu về giới hạn các hóa chất độc hại gồm cả formadehyde trong sản phẩm gỗ, hay nhãn mác, bao gói đối với các sản phẩm làm từ gỗ sẽ phải như thế nào…
Để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài, dù thị trường nhỏ hay thị trường lớn, doanh nghiệp cũng cần nắm bắt thông tin về các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa. Đối với sản phẩm dệt may và gỗ đó là các quy định bắt buộc áp dụng hay còn gọi là các biện pháp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Nắm chắc được các thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam hoàn thiện Cẩm nang về TBT đối với sản phẩm dệt may và gỗ cho một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thông tin của cuốn cẩm nang sẽ là một công cụ hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ khi bắt đầu tìm hiểu thông tin về quy định TBT đối với dệt may và gỗ khi xuất khẩu sản phẩm.
Tôn Nữ Thục Uyên - Văn phòng TBT Việt Nam