(VietQ.vn) - Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của nông sản nước ta cũng đang từng bước kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm.
Đóng gói xoài xuất khẩu tại một doanh nghiệp nước ta.
Trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương, cho biết, theo quy định của Trung Quốc, trái cây tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây tươi cho cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.
Để đảm bảo xuất khẩu trái cây tươi thuận lợi, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu.
Các vùng trồng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều phải đăng ký vùng trồng và được cấp mã số vùng trồng. Việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng thực hiện đăng ký thông tin với Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt tại địa phương. Chi cục sẽ xác nhận và gửi Cục Bảo vệ thực vật để cấp mã/giám sát việc thực hiện tại địa phương.
Trình tự các bước cấp mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu đi Trung Quốc cụ thể như sau:
Ngoài ra, theo quy định, trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được thu mua từ những vùng trồng và đóng gói tại những cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. Do đó, chỉ cần sản phẩm có xuất xứ từ những vùng trồng và được đóng gói tại các cơ sở đã được cấp mã số thì các doanh nghiệp thương mại đều có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc cấp mới, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục Bảo vệ thực vật. Hiện cả nước có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói. Các địa phương cần xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, lấy đó làm cơ sở cấp mã số vùng trồng. Do đó, địa phương phải có sự chủ động và tận dụng những xung lực bên ngoài như hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để xây dựng mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng có tình trạng “mượn” mã số, sử dụng mã số không đúng… và đã có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, trả lại. Một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Hay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Mai Phương