Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Rào cản kỹ thuật và kiến nghị

(VietQ.vn) - Trong bài viết, tác giả đánh giá các rào cản kỹ thuật mà EU đang áp dụng đối với trái cây xuất khẩu Việt Nam cũng như tìm hiểu về thực trạng xuất khẩu trái cây Việt Nam vào EU những năm qua, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới.



  •  Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản xuất trái cây nhiệt đới nhưng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU còn khiêm tốn dù EU là một trong những thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới. Hiệp định EVFTA được ký kết đã mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam xuất khẩu vào EU, một thị trường rất khắt khe về an toàn thực phẩm. Trong bài viết này, tác giả đánh giá các rào cản kỹ thuật mà EU đang áp dụng đối với trái cây xuất khẩu Việt Nam cũng như tìm hiểu thực trạng xuất khẩu trái cây Việt Nam vào EU những năm qua, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới.

1. Nhu cầu nhập khẩu trái cây của EU

EU là thị trường lớn với 28 quốc gia (nay còn 27 quốc gia, Anh đã ra khỏi khối này), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 18.800 tỉ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Khu vực dịch vụ chiếm đến 74,7% GDP của EU, trong khi ngành chế tạo chiếm 23,8% và lĩnh vực nông nghiệp chỉ 1,5%. Với thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000 USD/năm, thị trường có khoảng 516 triệu người tiêu dùng này có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hằng năm của EU lên tới trên 3.800 tỉ USD.

Tiêu thụ trái cây ở EU đã tăng đáng kể trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên và tốt cho sức khỏe gia tăng. Nhưng do sản xuất trong nội khối không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng nên sản lượng nhập khẩu của EU cũng tăng lên.

Năm 2015, EU là nước nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới, chiếm 17% tổng lượng nhập khẩu trái cây của thế giới. EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại EU gồm: Bơ, xoài và khoai lang. EU cũng gia tăng nhập khẩu một số loại trái cây nhiệt đới không phổ biến như quả vải, chanh leo, mít,... khi ngày càng nhiều người EU du lịch vòng quanh thế giới và thử các loại trái cây mới.

Việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Cụ thể, hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan. Trị giá nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển đã tăng 55% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập cảnh chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến phần còn lại của EU.

Nguyên nhân chính khiến nhập khẩu trái cây của EU tăng mạnh là do sản lượng trái cây ở khu vực này gần như không tăng. Sản xuất nông nghiệp mặc dù là ngành cơ bản nhưng số lượng trang trại trồng cây ăn trái ở EU đang giảm. Nông dân EU lựa chọn sử dụng công nghệ và phát triển giống để tăng năng suất, kéo dài mùa sản xuất, cải thiện chất lượng và đặc tính sản phẩm. Những nỗ lực này khiến chất lượng sản phẩm cao hơn, nhưng sản lượng hầu như không tăng. Do đó, sản lượng trái cây tại EU trong dài hạn có xu hướng giảm nhẹ, góp phần tạo ra nhu cầu nhập khẩu trái cây.

2. Các rào cản kỹ thuật của EU đối với trái cây nhập khẩu

Rào cản kỹ thuật của EU với trái cây nhập khẩu tập trung phần lớn vào các biện pháp kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.

Các rào cản kỹ thuật của EU với trái cây nhập khẩu tập trung phần lớn vào các biện pháp kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (biện pháp SPS) bên cạnh đó, cũng có một số quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc (biện pháp TBT). Trong đó, các biện pháp SPS gồm: yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất; kiểm dịch thực vật và đánh giá sự phù hợp. Và các biện pháp TBT gồm: Quy định về dán nhãn và Tiêu chuẩn tiếp thị.

Yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm

EU yêu cầu các doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài phải tuân thủ nguyên tắc Phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát quan trọng (the Hazard Analysis and Critical Control Point- HACCP). Do vậy, muốn thuyết phục nhà nhập khẩu EU thì doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị cung cấp chứng nhận HACCP với trái cây qua chế biến và Global GAP với trái cây tươi. Yêu cầu áp dụng HACCP với hàng nhập khẩu của EU là chặt chẽ hơn nhiều thị trường khác (xem Bảng 1). Việc tuân theo các nguyên tắc và yêu cầu của các hệ thống này vẫn là một thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt từ các nước kém phát triển và đang phát triển như Việt Nam.

Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất

EU có quy định về mức độ dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc bảo vệ thực vật đối với các sản phẩm thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường tại Quy định EC số 396/20051. Tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu sẽ bị trục xuất khỏi thị trường EU nếu chúng có chứa thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp hoặc lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao hơn so với giới hạn mà Quy định đặt ra.

So với các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam, mức MRL mặc định của EU rất thấp và số lượng những loại thuốc bảo vệ thực vật được chấp thuận bởi EU lại ít. Hệ thống quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU còn phức tạp vì được cập nhật thường xuyên. Mỗi năm, Quy định 396/2005 được sửa đổi nhiều lần. Tiêu chuẩn MRL của một số loại thuốc bảo vệ thực vật được xem xét sửa đổi liên tục, khiến các nhà xuất khẩu nước ngoài khó cập nhập và tuân thủ theo.

Thêm vào đó, mức MRL EU áp dụng với một số sản phẩm cụ thể rất khác với mức mà Codex hay các quốc gia khác áp dụng. Vì các sản phẩm không chỉ xuất khẩu vào thị trường EU mà còn vào nhiều thị trường khác, sự khác nhau trong tiêu chuẩn của từng thị trường có thể khiến các nhà xuất khẩu nhầm lẫn và khó tuân thủ hơn. Chẳng hạn, xoài Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ và Nhật Bản phải tuân thủ các mức MRL khác nhau với một số loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó hầu hết MRL của EU chặt chẽ hơn so với các nước khác (xem Bảng 2).

Nguyên tắc của EU về kiểm soát tạp chất thực phẩm được nêu chi tiết trong Quy định của Hội đồng số 35/93/EEC và quy định hàm lượng tối đa đối với các tạp chất thực phẩm được chỉ định trong Quy định của Ủy ban số 1881/2006. Hàm lượng giới hạn với tạp chất được cập nhật thường xuyên. Các tạp chất thường gặp nhất ở các sản phẩm trái cây (tươi, sấy khô và đông lạnh) là độc tố nấm (aflatoxins, ochratoxin A, patulin), kim loại nặng (chì, thiếc và cadmium) và các tạp chất vi sinh (salmonella, norovirus, virus viêm gan A).

Để xử lý các tạp chất vi sinh có thể dùng phương pháp chiếu xạ. Tuy nhiên, EU không cho phép sử dụng phương pháp này cho các loại trái cây và rau quả chế biến. Với các sản phẩm tươi, EU chỉ cho phép sản phẩm nhập khẩu được xử lý chiếu xạ tại một cơ sở được EU chấp nhận. Hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở nào như vậy, do đó buộc phải xử lý nhiệt khi xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm trái cây thối nhanh hơn, trong khi khoảng cách giữa Việt Nam và EU rất xa, mất nhiều thời gian vận chuyển.

Kiểm dịch thực vật và đánh giá sự phù hợp

Chỉ thị 2000/29/EC của Ủy ban Châu Âu thiết lập một bộ quy định thống nhất về điều kiện kiểm dịch thực vật và được áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của EU. Chỉ thị cũng lập danh mục những sản phẩm bị cấm nhập khẩu vào EU, và danh mục những sản phẩm thuộc diện kiểm soát tại biên giới EU và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để xác nhận việc tuân thủ các quy định của EU. Khi đã vào lãnh thổ EU, sản phẩm nhập khẩu được cấp hộ chiếu thực vật và có thể được lưu hành tự do đến các nước thành viên EU.

Trong 9 nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu tiềm năng Việt Nam, không có sản phẩm nào bị cấm và chỉ có 4 sản phẩm (xoài, chanh, chanh leo và ổi- chỉ ở dạng tươi) phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia của nước xuất khẩu, nhưng phải tuân theo mẫu của EU. Đạo luật mới về Sức khỏe Thực vật 2016 của EU được ban hành để thay thế Chỉ thị 2000/29/EC và có hiệu lực từ ngày 14/12/2019 sẽ thiết lập nhiều biện pháp kiểm soát hơn với việc nhập khẩu thực vật và sản phẩm từ thực vật.

Với mục đích đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu tuân thủ quy định của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật, nếu có sự vi phạm các quy định của EU hoặc có khả năng gây rủi ro cho sức khỏe con người hoặc thực vật, EU sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ dựa trên “nguyên tắc phòng ngừa”. Nguyên tắc này từ lâu đã được nhiều nước coi là một chính sách bảo hộ của EU, vì nguyên tắc cho phép EU và các nước thành viên bỏ qua các bằng chứng khoa học khi áp dụng biện pháp phòng ngừa tạm thời đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Quy định về ghi nhãn

Nhà xuất khẩu cần quan tâm Quy định số 1169/2011 của EU quy định những quy tắc chung cho ghi nhãn áp dụng với tất cả các sản phẩm thực phẩm và Quy định số 543/2011 yêu cầu chi tiết về ghi nhãn với trái cây và rau quả đã qua chế biến. Thông tin trên các thùng hàng hoặc bao bì nhỏ cần đảm bảo các nội dung và tuân theo định dạng (format) cụ thể do EU đưa ra, nhằm giúp truy xuất dữ liệu.

Ví dụ, sản phẩm trái cây đã qua chế biến thì bao bì cần có thông tin chung về tên sản phẩm và tên nhà sản xuất, nước xuất xứ, hạn sử dụng, hàm lượng dinh dưỡng (giá trị năng lượng, hàm lượng chất béo, đường, muối, protein...), cảnh báo dị ứng (ví dụ: đậu nành, gluten, lactose, quả hạch).

Các quy định về ghi nhãn của EU tương đối phức tạp và chi tiết. Các nhà sản xuất trái cây phải biết và hiểu tất cả các yêu cầu để tránh trường hợp bị thiếu thông tin bắt buộc và phải tuân theo các quy định cụ thể về định dạng và hình thức của từng thông tin được thể hiện.

Tiêu chuẩn về tiếp thị

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp thị với trái cây tươi ở thị trường EU là bắt buộc. Quy định 543/2011 của EU điều chỉnh các tiêu chuẩn tiếp thị cho chất lượng và độ chín của trái cây và rau quả tươi. Tiêu chuẩn tiếp thị được chia ra làm 2 loại: i) Tiêu chuẩn tiếp thị cụ thể (SMS) được áp dụng với 10 loại rau quả tươi và ii) Tiêu chuẩn tiếp thị chung (GMS) được áp dụng cho các sản phẩm rau quả tươi khác.

Cả sản phẩm SMS và GMS đều phải tuân thủ tiêu chuẩn chung về chất lượng và độ chín tối thiểu, tương đối phù hợp với tiêu chuẩn Codex với trái cây và rau quả tươi. Trái cây tươi nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên kiểm tra ở biên giới EU. Nếu sản phẩm đã được kiểm tra tại nước xuất xứ, quốc gia đó có thể yêu cầu Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn từ EU.

Trong các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, chỉ có Chanh là sản phẩm SMS, những sản phẩm còn lại thuộc sự điều chỉnh của GMS. Chưa có sản phẩm trái cây nào của Việt Nam nhận được sự chấp thuận kiểm tra sự phù hợp quy chuẩn của EU.

3. Thực trạng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU

Trong ngành nông nghiệp Việt Nam thì ngành trái cây có tiềm năng lớn về sản xuất và xuất khẩu nhiều loại sản phẩm, tận dụng lợi thế về khí hậu nhiệt đới và điều kiện đất đai. Tổng diện tích trồng trái cây ở Việt Nam đã tăng từ 300 nghìn hecta năm 1990 lên 923,9 nghìn hecta năm 2017 (Trung tâm WTO, 2021). Hiện có khoảng 40 loại trái cây trồng ở Việt Nam, trong đó có 27 loại có giá trị thương mại, sản lượng nhiều nhất là chuối, dưa hấu và thanh long. Việt Nam có những loại trái cây xuất khẩu sản lượng tốp đầu thế giới như vải, thanh long, nhãn, dừa, chanh leo, dưa hấu... nhưng sản xuất trái cây ở Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ.

Việt Nam hiện xuất khẩu trái cây đến hơn 40 thị trường, trong đó Trung Quốc là đối tác lớn nhất (hơn 70%) tiếp đến là EU, Mỹ, Hàn Quốc (xem Hình 1). Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, có thể thấy trái cây Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu tất yếu cần phát triển và gia tăng xuất khẩu sang những thị trường khác, trong đó EU là thị trường tiềm năng. Bởi vì, nông sản Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh mà bổ trợ nhau.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của rau quả Việt Nam. Trong khi đó, trái cây là nông sản chủ lực của Việt Nam, là ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Hàng năm, nhiều loại trái cây nhiệt đới được châu Âu nhập khẩu với giá trị tăng nhanh hơn lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu của châu Âu đối với các mặt hàng như vải tươi, chanh dây, khế và thanh long (HS 08109020) tăng 40% trong 5 năm qua, lên 142 triệu euro vào năm 2019.

Nhập khẩu trái cây Việt Nam của EU tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2001- 2015 (xem Hình 2). Từ năm 2009 đến 2015, trong khi tổng giá trị nhập khẩu trái cây của EU dao động và tăng không đáng kể thì nhập khẩu trái cây từ Việt Nam lại gia tăng khá nhanh. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là thị phần trái cây Việt Nam trên thị trường EU còn rất nhỏ, đặc biệt khi xem xét trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu trái cây của EU rất lớn và tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam khá cao.

Trong năm 2015, chỉ có 5 mặt hàng trái cây Việt Nam (mã HS 6 chữ số) có giá trị xuất khẩu hơn 1 triệu USD sang EU, và tỷ trọng của 5 mặt hàng này còn rất hạn chế so với tổng giá trị nhập khẩu của EU (Bảng 3). Những con số này, ngoài việc chỉ ra tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU còn yếu, cũng cho thấy tiềm năng rất lớn để mở rộng thị phần tại thị trường này.

 

Nếu so sánh những trái cây Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và những trái cây nhiệt đới EU nhập khẩu nhiều (xem Bảng 4) sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng, từ đó cho thấy tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam cũng gặp phải cạnh tranh từ nhiều đối thủ, chủ yếu đến từ các nước đang phát triển ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán năm 2015, sau đó được tách làm hai Hiệp định là Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30/6/2019 và ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.

Với hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ về mức 0% mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho trái cây Việt Nam sang thị trường này (xem Bảng 5). Tuy nhiên, EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp SPS và TBT mà hầu như chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS và TBT của WTO. Trong khi những rào cản kỹ thuật là vướng mắc lớn nhất cho trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU.

4. Một số vấn đề đặt ra và kiến nghị

4.1. Một số vấn đề đặt ra

Triển khai Hiệp định EVFTA, 100% các mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có mức thuế 0% đưa đến cơ hội lớn cho ngành trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đặt ra những khó khăn cho ngành trái cây Việt Nam trong việc đáp ứng các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu trái cây vào EU đó là:

Thứ nhất, cả người trồng, chế biến và xuất khẩu trái cây thiếu thông tin và hướng dẫn về quy định nhập khẩu của EU. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp thiếu nhân lực có hiểu biết về pháp lý khi nghiên cứu thị trường và chưa có thói quen thuê dịch vụ tư vấn pháp lý.

Cách tiếp cận thông tin chính thống gần nhất là Cổng thông tin của văn phòng TPT và SPS thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng nhiều quy định mới được đăng lại bằng tiếng anh, thiếu đi tóm tắt, hướng dẫn bằng tiếng Việt. Những hội thảo phổ biến thông tin quy định thường tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nên đối tượng liên quan trực tiếp là nông dân và doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ ít có cơ hội tham gia.

Thứ hai, sự liên kết trong chuỗi cung ứng xuất khẩu trái cây còn yếu. Các công ty chế biến xuất khẩu trái cây thường không có hợp đồng thu mua dài hạn với người trồng trái cây (phần lớn là các hộ gia đình hoặc trang trại nhỏ). Mối quan hệ lỏng lẻo này gây khó khăn khi doanh nghiệp không thể yêu cầu người trồng dùng loại thuốc bảo vệ thực vật nào và quy trình trồng thế nào để đảm bảo quy định của EU về giới hạn dư lượng các chất. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng người nông dân chạy theo lợi ích mà mua thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo trên thị trường với giá rẻ.

Thứ ba, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HACCP hay Global GAP không phải là quy định nội địa bắt buộc với các nhà sản xuất trái cây Việt Nam, nhưng các chứng nhận chất lượng này lại thường được nhà nhập khẩu EU yêu cầu. Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi đầu tư lâu dài về tài chính và công nghệ, điều này gây khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam do thiếu nguôn lực.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu trái cây còn nhiều hạn chế. Hạ tầng giao thông Việt Nam ở các vùng nông thôn, miền núi còn yếu kém nhưng đây lại là những vùng trồng trái cây lớn. Điều này dẫn đến tăng thời gian và chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm vì trái cây là nhóm sản phẩm mau hỏng. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ phục vụ thu hoạch bảo quản và chế biến trái cây xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế.

Ngoài ra, các phòng thí nghiệm cấp vùng và cấp tỉnh của Nhà nước bị hạn chế về thiết bị, chỉ phân tích được một số loại thuốc bảo vệ thực vât và tạp chất nhất định. Nên nhiều lô hàng Việt Nam xuất khẩu cập cảng EU bị từ chối trả về do vi phạm các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất. Các phòng thí nghiệm tư nhân phát triển ở Việt Nam nhưng chi phí dịch vụ thường cao, vượt mức chi trả của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, khi EVFTA có hiệu lực, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng và bản thân cam kết trong hiệp định không giúp gỡ bỏ hay giảm bới các TBT, SPS.

4.2. Kiến nghị

Trên cơ sở nghiên cứu các rào cản kỹ thuật của EU với trái cây nhập khẩu và thực trạng xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU, bài viết đưa ra một số khuyến nghị với nhà nước và doanh nghiệp nhằm vượt qua các thách thức, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU, đó là:

Đối với nhà nước

Một là, tăng cường phổ biến kiến thức về quy định nhập khẩu của EU. Doanh nghiệp gặp trục trặc với quy định nhập khẩu của EU thường xuất phát từ việc thiếu thông tin. Nên việc đa dạng hóa các kênh thông tin để đưa quy định EU đến với người sản xuất - xuất khẩu là cần thiết.

Các buổi hội thảo và đào tạo về tuân thủ quy định EU cần hướng tới cả những người trồng trái cây ở vùng nông thôn chứ không chỉ là doanh nghiệp xuất khẩu. Các cổng thông tin TBT và SPS nên có thêm các bản tóm tắt tiếng Việt về quy định mới của EU, chứ không chỉ đăng tải lại toàn văn tiếng Anh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mạng xã hội để thông báo về quy định mới và tương tác hỏi đáp với doanh nghiệp cũng nên được phát triển.

Hai là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ chế biến, xuất khẩu trái cây. Xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia đạt chuẩn quốc tế để xử lý những lỗi thường gặp với trái cây Việt Nam xuất khẩu là vi phạm giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cần tiếp tục được nâng cấp giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển từ vùng trồng đến khu vực chế biến và ra cảng xuất khẩu. Điều này không chỉ tốt cho lĩnh vực trái cây mà còn tốt cho cả nền kinh tế. Cuối cùng là đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển để đưa ra những giống cây chịu sâu bệnh tốt hơn, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; nghiên cứu cải tiến quy trình thu hoạch giảm tỷ lệ quả hỏng và nâng cấp công nghệ bảo quản giữ trái cây tươi lâu để đi thị trường xa như EU.

Ba là, tận dụng Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu trái cây. Theo quy định tại Điều 10 về Công nhận tương đương của Chương SPS thuộc EVFTA, Việt Nam có thể yêu cầu EU công nhận tương đương biện pháp SPS với một số sản phẩm cụ thể. Sau khi nhận được yêu cầu này, EU sẽ bắt đầu quy trình tham vấn và xem xét tính tương đương để đưa ra quyết định. Nếu chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được công nhận bởi EU mà không cần thêm quy trình đánh giá sự phù hợp ở biên giới EU sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời việc này còn giúp giảm nguy cơ các lô hàng Việt Nam bị từ chối vì không vượt qua các cuộc kiểm tra của EU ở biên giới (mặc dù đã vượt qua các kiểm tra ở Việt Nam). Bên cạnh đó, EU đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể được yêu cầu liên quan đến việc tuân thủ các biện pháp SPS của EU.

Bốn là, tăng cường quảng bá hình ảnh. Bởi, dù được cấp phép nhập khẩu EU nhưng nếu không có hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại các sản phẩm trái cây Việt Nam đến người tiêu dùng thì lượng tiêu thụ vẫn không được như mong muốn.

Đối với doanh nghiệp

Một là, tăng cường nhận thức và hiểu biết về các quy định của EU với trái cây nhập khẩu. Doanh nghiệp có thể tham khảo từ cổng thông tin của Văn phòng TBT và SPS thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, 2 cổng thông tin này cung cấp thông tin về nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng EU.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm trực tiếp các quy định tại Cổng thông tin điện tử EC. Cổng này có một Trang hỗ trợ thương mại đặc biệt dành cho các nhà xuất khẩu nước ngoài. Cổng thông tin của EC cung cấp thông tin và hướng dẫn chi tiết về từng biện pháp của EU với các sản phẩm nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng có thể cập nhật danh sách đầy đủ các yêu cầu pháp lý tại cổng thông tin trợ giúp thương mại của EU (EU Trade Helpdesk).

Hai là, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Việc đầu tư áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như HACCP và Global GAP không chỉ giúp các nhà sản xuất trái cây Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang EU mà còn có thể tiếp cận những thị trường khó tính khác. Cũng cần lưu ý, ngoài các chứng nhận nêu trên, các nhà nhập khẩu EU có thể yêu cầu những chứng nhận an toàn thực phẩm khác tùy theo thị trường như Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (IFS),... Do đó, nhà xuất khẩu nên tìm hiểu và xác nhận với đối tác loại chứng nhận quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm mà họ thường yêu cầu.

Ba là, nâng cao năng lực nhân viên xuất khẩu hoặc thuê dịch vụ tư vấn xuất khẩu. Để hiểu và đáp ứng các quy định EU, nhà xuất khẩu không chỉ cần giỏi ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) mà còn cần kiến thức pháp lý nhất định. Đây là hai điểm yếu lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam do phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tự nghiên cứu các quy định pháp lý của thị trường nước ngoài của nhân viên còn hạn chế.

Do đó các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của nhân viên hoặc sử dụng đến dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty chuyên nghiệp. Việc này có thể dẫn đến tăng chi phí, nhưng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích lâu dài từ việc ít bị từ chối nhập khẩu và tăng được giá trị xuất khẩu sang EU.

Bốn là, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng xuất khẩu trái cây. Các chủ thể quan trọng tham gia chuỗi cung ứng cùng với nhà xuất khẩu gồm người nông dân, nhà nhập khẩu trái cây EU và người vận chuyển. Người nông dân là thành phần cần được quan tâm từ đầu để đảm bảo kiểm soát hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất trên trái cây. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể đưa đến các hướng dẫn sản xuất cho nông dân và ký kết các hợp đồng đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Với nhà nhập khẩu trái cây EU, cần liên lạc thường xuyên để cập nhật những thay đổi của quy định nhập khẩu thống nhất áp dụng những tiêu chuẩn chung giữa hai bên. Nhà xuất khẩu có thể nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU. Với người vận chuyển, cần lựa chọn đơn vị uy tín để để đảm bảo an toàn và chất lượng cho trái cây trong quá trình di chuyển với chi phí tối ưu.

Kết luận

EVFTA đã mang đến cho ngành trái cây Việt Nam cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong quá trình thực thi hiệp định, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, thách thức ấy cũng chính là đòn bẩy quan trọng, giúp ngành trái cây Việt Nam đáp ứng tốt hơn trong tiến trình hội nhập trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển chế biến sâu và hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại.

TS. Lê Văn Tuyên - Học viện Kỹ thuật Quân sự


Các tin tiếp
Israel thông báo dự thảo sửa đổi quy định về thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn   (4/4/2024)
Vương quốc Anh xây dựng dự thảo quy định về việc ghi nhãn thực phẩm   (2/4/2024)
Hàn Quốc và Đài Loan tăng cường kiểm tra sản phẩm ớt nhập khẩu từ Việt Nam   (27/3/2024)
Khuyến cáo doanh nghiệp tuân thủ quy định về chứng nhận Halal khi xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê út   (29/1/2024)
EC công bố các quy tắc dán nhãn năng lượng và thiết kế sinh thái mới cho máy sấy quần áo   (9/1/2024)
Trung Quốc: Thông báo tiêu chuẩn an toàn thiết bị vui chơi bơm hơi   (15/11/2023)
Đài Loan thông báo Dự thảo sửa đổi Quy định về thực phẩm đóng gói sẵn   (16/10/2023)
New Zealand dự thảo các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một số loại quả tươi của Việt Nam   (12/10/2023)
Úc thông báo tiêu chuẩn quản lý 4 chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy   (6/10/2023)
Tiêu chuẩn chất lượng – ‘chìa khóa’ mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu   (2/10/2023)
Thông báo của Úc về rủi ro an toàn sinh học của tôm nhập khẩu   (7/8/2023)
Thông báo của Úc về thuốc lá và các sản phẩm khác   (29/6/2023)
Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng BIS của Ấn Độ - Những lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam   (4/5/2023)
Hoa Kỳ gia hạn điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với gỗ dán   (29/3/2023)
Ủy ban châu Âu đề xuất tiêu chí kiểm soát 'quảng cáo xanh' đánh lừa người tiêu dùng   (28/3/2023)
Chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu   (6/3/2023)
Doanh nghiệp phải đăng ký trước khi xuất khẩu dược liệu sang thị trường Trung Quốc   (6/2/2023)
Thông báo của Singapore về đồ uống đóng gói sẵn   (2/2/2023)
EU gỡ bỏ kiểm soát một số mặt hàng rau gia vị của Việt Nam   (2/2/2023)
Quan ngại đối với quy định chứng chỉ thực hành tốt về sản xuất   (11/1/2023)
Xuất khẩu vào thị trường FTA: Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản, tiêu chuẩn ngặt nghèo   (21/12/2022)
Quan ngại đối với quy định về giám sát và quản lý thiết bị y tế của Trung Quốc   (5/12/2022)
Quan ngại đối với quy định về hàm lượng Natri trong thực phẩm của Colombia   (30/11/2022)
Philippines không gia hạn biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu   (16/11/2022)
Dự thảo quy định xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa   (26/10/2022)
Thông báo của Liên minh châu Âu về thực phẩm   (20/10/2022)
Thông báo của Philippines về thực phẩm   (27/9/2022)
Đáp ứng quy định về TBT khi xuất khẩu dệt may và gỗ sang các thị trường đối tác lớn   (19/9/2022)
Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Rào cản kỹ thuật và kiến nghị   (12/9/2022)
Slovenia: Thông báo về Quy định đối với thủ tục công nhận thuật ngữ 'chất lượng chọn lọc'   (5/9/2022)
Thông báo của Hàn Quốc về tiêu chuẩn ghi nhãn   (30/8/2022)
Cấp mã số vùng trồng - tiêu chí quan trọng giúp nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu   (17/8/2022)
Thông báo của Liên minh châu Âu về kiểm soát chất lượng thực phẩm   (12/8/2022)
Rau quả nhập khẩu vào Trung Quốc cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng gì?   (12/8/2022)
12 sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại   (31/7/2022)
Liên minh châu Âu sửa đổi quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu   (25/7/2022)
Vượt hàng rào kỹ thuật thương mại, doanh nghiệp Việt vươn ra ‘biển lớn’   (20/7/2022)
“Xanh hoá” toàn bộ chuỗi sản xuất phục vụ đơn hàng dệt may xuất khẩu EU   (8/6/2022)
Dự thảo Quy định về ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm hóa chất tiêu dùng   (8/6/2022)
Nâng cao chất lượng trái thanh long, thúc đẩy xuất khẩu thị trường nước ngoài   (23/5/2022)
Hệ thống quản lý chất lượng- Chìa khóa tránh hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu   (17/5/2022)
Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm tủ gỗ Việt Nam   (6/5/2022)
EU dự định cấm lưu hành hàng loạt hoá chất độc hại có trong đồ gia dụng   (26/4/2022)
Quy định mới về dư lượng thủy ngân trong thủy sản và muối tại thị trường EU   (15/4/2022)
Thông báo của Liên minh Châu Âu về phân bón   (6/4/2022)
Liên minh Châu Âu thông báo về quy định áp dụng cho thực phẩm   (22/3/2022)
Thông báo của Hoa Kỳ về chất cấm trong thực phẩm hữu cơ   (9/3/2022)
Vượt qua rào cản kỹ thuật trong thương mại   (6/1/2022)
Sắc lệnh quản lý ghi dấu giày dép và các sản phẩm dệt   (6/12/2021)
Thông báo của Liên minh châu Âu về sản phẩm hữu cơ   (29/11/2021)
9 điều cần biết về Lệnh 248, 249 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc   (24/11/2021)
Sửa đổi tiêu chuẩn về Ghi nhãn Thực phẩm   (22/11/2021)
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây công nghiệp   (16/11/2021)
Rà soát tiêu chuẩn ghi nhãn hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm dệt may   (3/11/2021)
Singapore thông báo Dự thảo quy định về ghi nhãn dinh dưỡng   (1/6/2021)
Khai trương hệ thống cảnh báo toàn cầu TBT và SPS – ePing Tiếng Việt   (6/5/2021)
Đài Loan đề xuất sửa đổi yêu cầu kiểm tra đối với hàng dệt may   (4/2/2021)
Cam kết TBT trong các FTA thế hệ mới: Phá dỡ rào cản, đẩy nhanh quá trình hội nhập   (4/2/2021)
Cam kết TBT trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên   (12/10/2020)
Quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) theo Thông tư 11/2020/TT-BCT   (27/8/2020)
Cảnh báo quy định về ghi nhãn “Made in USA” của Hoa Kỳ   (27/8/2020)
Hàn Quốc đề xuất thay đổi tiêu chuẩn ghi nhãn thực phẩm, doanh nghiệp Việt cần lưu ý những gì?   (16/6/2020)
100% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Hiệp định EVFTA   (10/6/2020)
Bàn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và một số công việc để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật   (10/7/2018)