(VietQ.vn) - Từ đầu tháng 5/2022, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU cần lưu ý quy định mới vừa ban hành về dư lượng thủy ngân có trong thủy sản.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Ủy ban châu Âu vừa ban hành quy định số 2022/617, thay thế quy định 1881/2006 về dư lượng tối đa của thủy ngân trong thủy sản và muối. Theo đó, dư lượng thủy ngân có trong thủy sản dao động từ 0,3 đến 1μg/kg, tùy loại sản phẩm. Dư lượng thủy ngân trong muối tối đa là 0,1μg/kg.
Đáng lưu ý, với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, sản phẩm sẽ được tiêu thụ đến hết hạn sử dụng của sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và muối cần lưu ý quy định mới của EU, có hiệu lực từ ngày 3/5/2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đây là một trong những thị trường xuất khẩu tỷ USD của thủy sản Việt Nam. Năm 2021, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn quý III khiến cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản lo ngại về mục tiêu xuất khẩu 8,8 tỷ USD, tuy nhiên, kết thúc năm 2021, kết quả xuất khẩu thủy sản đã vượt cả mong đợi với trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020 và chiếm 12% tỷ trọng xuất khẩu của ngành thủy sản.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và muối cần lưu ý quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU
Những thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường này là Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ và Pháp. Đây là kết quả tương đối tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước dịch COVID-19.
Cùng với đó, cước phí vận tải tăng lên mức cao kỷ lục trong khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU (ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Hơn nữa, dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang EU được đánh giá rất lớn, nhất là với cú hích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU là rất lớn, trên 50 tỷ USD/năm. Bởi thế, thủy sản là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất trong đàm phán EVFTA để giúp tận dụng cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập mạnh vào thị trường này.
Nhận định từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Đặc biệt, cam kết trong EVFTA đối với ngành hàng thủy sản, EU xóa bỏ khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Trong số đó, phần lớn sản phẩm có mức thuế cao từ 6 - 22% được xóa bỏ về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh…
Riêng với sản phẩm thủy sản có lộ trình giảm thuế từ 3 đến 7 năm bao gồm: 50% số dòng thuế còn lại, thuế suất cơ sở từ 5,5 - 26%, sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, như sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ… Ngoài ra, mặt hàng cá ngừ đóng hộp và Surimi (cá viên) áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.
Bảo Linh