Trong năm 2017, để đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, theo lĩnh vực được phân công, các Sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai khác.
Cụ thể: Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 ban hành Quy định phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Kế hoạch số 486/KH-UBND ngày 15/02/2017 về nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 15/02/2017 về việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 06/10/2016 của Tỉnh uỷ Bình Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 quy định về mức chi hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020”.
Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Trung ương và của tỉnh, năm 2017, các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến như: đưa tin, bài; tổ chức hội nghị, tập huấn; ban hành các văn bản hướng dẫn,... Nổi bật như Sở Khoa học và Công nghệ phổ biến, thông báo bằng văn bản nội dung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến các Sở, ngành, địa phương; tổ chức 07 lớp tập huấn các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (ghi nhãn hàng hóa, áp dụng mã số mã vạch) cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh (hàng đóng gói sẵn theo định lượng, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vàng trang sức, mỹ nghệ). Sở Y tế tổ chức 26 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm với 2.044 người tham dự; phát thanh : 2.167 lượt; Báo viết: 05 bài; Nói chuyện: 187 buổi/ 2580 người; Treo băng rôn: 656 cái; Áp phích : 5.120 cái; cấp phát đĩa VCD, CD: 1.049 cái; thực hiện 743 buổi tuyên truyền lưu động về các thông điệp an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 31 lớp tập huấn với 1.358 người tham dự, 02 hội thảo, xây dựng 09 phóng sự quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, viết 17 tin bài đăng trên báo Bình Thuận, in 7.000 tờ rơi, treo 07 pano quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…
Về hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy
- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tiếp nhận 02 hồ sơ công bố hợp chuẩn (sản phẩm cột điện bê tông cốt thép ly tâm, gạch bê tông tự chèn )
- Lĩnh vực y tế: Tiếp nhận 271 hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và 47 hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm: nước uống đóng chai, sản phẩm thủy sản, nước mắm, nước chấm, nước tương....
- Lĩnh vực xây dựng: Tiếp nhận 27 công bố hợp quy về sản phẩm vật liệu xây dựng.
- Lĩnh vực nông nghiệp và PTNT: Tiếp nhận 16 hồ sơ công bố hợp quy về sản phẩm phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát
Trong năm 2017, các Sở, ngành và địa phương đã tiến hành thanh tra - kiểm tra 2.594 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá: xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện – điện tử, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, vật tư y tế, thực phẩm, thủy sản, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông v.v... Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 401 cơ sở, chiếm tỷ lệ 15,46% (kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông). Các hành vi vi phạm chủ yếu: chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với mức chất lượng đã công bố theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định; chưa thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng; sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng, v.v…
Kết quả thanh tra, kiểm tra cụ thể như sau:
Đơn vị triển khai
|
Số cơ sở thanh kiểm tra
|
Số cơ sở vi phạm
|
Tỷ lệ cơ sở vi phạm
(%)
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
1.328
|
61
|
4,6
|
Sở Công Thương
|
696
|
264
|
37,9
|
Sở Y tế
|
362
|
56
|
15,5
|
Sở Khoa học và Công nghệ
|
144
|
12
|
8,3
|
Sở Xây dựng
|
5
|
4
|
80
|
Sở Thông tin và Truyền thông
|
59
|
4
|
6,8
|
Tổng cộng
|
2.594
|
401
|
15,4
|
+ Giám sát chất lượng hàng hóa
Song song với hoạt động thanh kiểm tra, công tác giám sát chất lượng hàng hóa trong năm cũng được các sở, ngành quan tâm triển khai:
Sở Nông nghiệp và PTNT lấy 241 mẫu thủy sản, nông sản để giám sát chất lượng, kết quả: 09 mẫu kiểm nghiệm không đạt (06 mẫu nhiễm CAP, 03 mẫu thịt nhiễm Salmonella); Kiểm soát giết mổ tại 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm do các địa phương quy hoạch và 17 điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Sở Khoa học và Công nghệ lấy 122 mẫu xăng để giám sát chất lượng. Qua kết quả giám sát, đã tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mẫu xăng không đạt chất lượng.
Về hoạt động xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực phòng thử nghiệm trọng điểm của tỉnh
Trong năm 2017, để phục vụ tốt việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu chỉ tiêu thử nghiệm, kiểm định – hiệu chuẩn mới, duy trì hiệu lực hệ thống quản lý phòng thử nghiệm – hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, tổ chức đánh giá giám sát, mở rộng năng lực và được Bộ TN&MT chỉ định Trung tâm đủ điều kiện hoạt động quan trắc và phân tích môi trường; Duy trì chỉ định các phòng thử nghiệm chuyên ngành: phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng thử nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật 01 phòng kiểm nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá mức độ gây hại của dịch hại, ruồi đục quả trên thanh long.
Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý, tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho 04 tổ chức, doanh nghiệp với số tiền 128 triệu đồng; Hỗ trợ đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hiện nâng cao năng suất chất lượng (5S, LEAN, ISO 9001:2015) cho 11 tổ chức, doanh nghiệp; Hỗ trợ 01 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2017.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với tổng số tiền 622,4 triệu đồng.
Lĩnh vực công thương: hỗ trợ thực hiện 17 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,06 tỷ đồng./.
Hoàng Tuân