Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Theo Nghị định, ngoài việc được hỗ trợ về vốn, đất đai, giảm thuế, giảm tiền thuê mặt nước, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đưa sản phẩm vào sản xuất thực tế… các doanh nghiệp khoa học công nghệ còn được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ, cụ thể:
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại cho vay.
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ có dự án tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa xem xét cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.
-Trường hợp doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ thì được vinh danh, khen thưởng.
Ngoài ra, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ để phát triển sản phẩm mới.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/3/2019./.
Tú Oanh