Đây là quy định được Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may trước khi bán ra thị trường phải thực hiện tại Thông tư 21/2017TT-BCT ngày 23/10/2017 về việc ban hành Quy chuẩn quốc gia về mức giới hạn hàm lương formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Cụ thể, các doanh nghiệp trước khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường nội địa phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) cho sản phẩm. Mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường cho phép công bố không được vượt quá 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da). Còn giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
Theo quy định của Thông tư 21 nói trên, doanh nghiệp có thể tự công bố hợp quy hoặc dựa vào kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận, giám định được chỉ định. Hồ sơ công bố hợp quy sẽ được gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Sau khi gửi hồ sơ là đã được phép đưa hàng hóa ra thị trường.
Đến nay, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 560/QĐ-BCT ngày 13/2 /2018 chỉ định các tổ chức thực hiện việc giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm dệt may gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; Viện Dệt May; Chi nhánh công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol Hà Nội; Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol Hải Phòng; Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol TP.Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC; Công ty TNHH Intertek Việt Nam và Công ty CP Giám định và Khử trùng FCC./.
Quang Luận
|