Ngày 09/10/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4281/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018-2020. Theo Kế hoạch, để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đã được phê duyệt, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển về chiều rộng và chiều sâu trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu:
- Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng thông tin đã được đầu tư, triển khai;
- Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh;
- Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế tại tỉnh;
- Tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính quyền điện tử theo chủ trương của Chính phủ.
Theo lộ trình triển khai kế hoạch kiến trúc chính quyền điện tử được chia làm 03 gia đoạn, trong đó:
Giai đoạn 1 (năm 2018 và năm 2019): Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, bổ sung phần mềm sao lưu, phục hồi dữ liệu đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDT) tỉnh và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sẵn sàng kết nối phục vụ công tác quản lý nhà nước; Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; Xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ CQĐT tỉnh Bình Thuận, tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Đầu tư, Đất đai, Y tế, Đăng ký kinh doanh, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp…; Xây dựng các dịch vụ nền tảng, các cơ sở dữ liệu (CSDL), Danh mục dùng chung (tập trung vào các hệ thống phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ của các lĩnh vực); các phần mềm lõi dùng chung đảm bảo tính liên thông nghiệp vụ; Nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Một cửa điện tử đảm bảo theo quy định, đảm bảo liên thông các cấp, hướng đến mô hình tổ chức, hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tập trung, hiện đại; Đầu tư nâng cấp, bổ sung triển khai các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông. tin đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh; Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức các cấp; đào tạo đôi ngũ cán bộ chuyên trách CNTT cho các cơ quan; xây dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo CNTT các cấp; Đào tạo công dân điện tử thí điểm tại một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2 (năm 2020): Tiếp tục hoàn thiện các CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý nhà nước tỉnh Bình Thuận; Tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các lĩnh vực thường xuyên có giao dịch; Nâng cấp, duy trì hệ thống/nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP); Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT các cơ quan, đơn vị, Trung tâm THDL tỉnh đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng, CSDL mới; Xây dựng các ứng dụng chuyên ngành ở mọi lĩnh vực cho các Sở, ban ngành và các cơ quan hành chính cấp Huyện, cấp xã; xây dựng phần mềm báo cáo thống kê tổng hợp cho chính quyền các cấp; Duy trì, mở rộng ứng dụng chữ ký số; tiếp tục nâng cấp, sửa chữa duy trì, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; Tiếp tục đào tạo công dân điện tử cho các huyên, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 3 (Từ năm 2021): Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng báo cáo, tổng hợp động, hệ thống hỗ trợ ra quyết định; Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống, nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP) đảm bảo các ứng dụng của tỉnh được triển khai hoàn toàn tuân thủ theo Kiến trúc SOA, đảm bảo khả năng chia sẻ tích hợp dữ liệu trọn vẹn với các ứng dụng chuyên ngành cùa tỉnh và các ứng dụng của ngành dọc; Xây dựng các hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ, hệ thống quản lý, giám sát hạ tầng CNTT, đặc biệt là các hệ thống giám sát an ninh, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng; Xây dựng Trung tâm hỗ trợ dịch vụ của tỉnh, các hệ thống hỗ trợ truy nhập của người dân vào hệ thống dịch vụ của cơ quan chính quyền; Kiểm tra, đánh giá, nâng cấp Kiến trúc CQĐT tỉnh; Triển khai rà soát, đánh giá các hoạt động đã thực hiện, tiếp tục xây dựng kế hoạch cho các năm tiếp theo.
Để triển khai Kế hoạch, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ thực hiện gồm: Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các dự án đã được duyệt theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình triển khai thực hiện; Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tài liệu Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đến tất cả công chức, viên chức nhận thức một cách đầy đủ về Chính quyền điện tử; Rà soát các chương trình ứng dụng trong hệ thống thông tin khác nhau như giáo dục, y tế, tài chính, công nghiệp, du lịch, hộ tịch; các hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, nông lâm thủy sản, hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng… để tích hợp tại Trung tâm THDL tỉnh, trên cơ sở đó kết nối, chia sẻ, liên thông để khai thác đồng bộ trong khuôn khổ Kiến trúc CQĐT tỉnh, không để trùng lắp, gây lãng phí; Chủ động triển khai các nhiệm vụ của ngành theo chỉ đạo của Trung ương trên cơ sở tích hợp với hệ thống CQĐT của tỉnh; Đề xuất, xây dựng các kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh được duyệt; Định kỳ hàng quý, năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả việc triển khai dự án về Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật Kiến trúc CQĐT của tỉnh Bình Thuận.
Cũng theo Kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ đề xuất nguồn vốn từ nguồn ngân sách khoa học công nghệ của tỉnh hàng năm để triển khai một số nhiệm vụ trong Kiến trúc CQĐT; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai thực hiện Kiến trúc CQĐT, đảm bảo các nội dung đầu tư trong Kiến trúc đồng bộ, phù hợp với các quy chuẩn công nghệ hiện đại.
(Đính kèm Kế hoạch 4281/KH-UBND)
Lê Xin