Hướng đến việc phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghề, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài cho các sản phẩm ở nông thôn Việt Nam,
Vừa qua, ngày 17/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình OCOP).
Theo đó, Chương trình OCOP sẽ áp dụng thực hiện tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bao gồm các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ theo 6 nhóm ngành: Thực phẩm; Đồ uống; Thảo dược; Vải và may mặc; Lưu niệm - nội thất – trang trí; Dịch vụ du lịch nông thôn bán hàng và hướng đến 3 trục sản phẩm nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh giao Khoa học và Công nghệ các nhiệm vụ sau:
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong và ngoài nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP Bình Thuận.
Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.
Hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch,...
Căn cứ vào nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP theo giai đoạn và hàng năm; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu./.
Tú Oanh