Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 (Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 ngày 11/11/2022 tại chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV)
Cụ thể, tại Điều 3 Nghị quyết này nêu rõ:
- Chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
- Từ ngày 01/7/2023:
+ Thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng;
+ Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
+ Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi cho chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
- Từ ngày 01/01/2023, tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị đặc thù cho tới khi cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
- Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 theo cơ chế đặc thù không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục loại trừ một số khoản thu để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết 34/2021/QH15./.
Diệu Hằng