Ngày 15/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 4912/KH-UBND về cải cách hành chính nhà nước năm 2024 tỉnh Bình Thuận. Kế hoạch đã xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính nhà nước của tỉnh trong năm 2024.
Kế hoạch này được ban hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh Bình Thuận.
Tại Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện cải cách hành chính, gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số và Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn thiện, ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính thực hiện không hiệu quả; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; thường xuyên theo dõi, cập nhật và kịp thời công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các ngành.
Có giải pháp giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, luân chuyển và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kết thúc quy trình xử lý hồ sơ điện tử trước khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính). Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại bộ phận một cửa các cấp.
Công tác cải cách nhằm tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Tổ chức kiểm tra công vụ năm 2024 của tỉnh. Nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Tiếp tục áp dụng tốt hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong giải quyết công việc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để nâng cao tỷ lệ hồ sơ công việc xử lý trên môi trường mạng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã triển khai và áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Nghiên cứu, bố trí lực lượng tại bộ phận một cửa các cấp để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến; tuyệt đối không nộp hồ sơ trực tuyến hoặc thanh toán trực tuyến thay cho người dân.
Triển khai sử dụng chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Xây dựng Kho dữ liệu số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.
Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ theo quy định cho UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi, chỉ đạo./.
Phạm Cúc