Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu là 1 yếu tố quan trọng trong quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) quy định chi tiết việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cấp phó được giao phụ trách các lĩnh vực. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Tại Khoản 1, Điều 54, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) đã khẳng định lại nguyên tắc: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”. Trên cơ sở nguyên tắc chung như trên, Luật cũng quy định tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định mức độ trách nhiệm khác nhau của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, có trường hợp họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp, có trường hợp thì liên đới chịu trách nhiệm.
Về cơ sở xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại khoản 4, Điều 55 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) có quy định: “Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ là yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý hay bao che cho hành vi tham nhũng và kết luận, báo cáo phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ”. Cùng với đó là việc xác định trách nhiệm xem xét kỷ luật tại Điều 13, Nghị định 211/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định Nghị định107/2006/NĐ) quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng”. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ vi phạm chỉ chờ kết quả xử lý của Tòa án nhân dân các cấp tuyên phạt có mức án cụ thể, thậm chí chờ kết quả xét xử phúc thẩm mới tiến hành xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Do vậy, có trường hợp đã quá thời hiệu xử lý nên không thể xử lý người đứng đầu về mặt chính quyền mà chỉ xử lý kỷ luật về Đảng.
Thực tế hiện nay số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý; còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu khi có sai phạm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Ðể xảy ra tình trạng nêu trên còn có một phần là do nể nang, né tránh và sợ mất thành tích của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên là do quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước chưa trở thành hành động tự giác của nhiều ngành, nhiều cấp. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu thiếu quyết tâm và chưa quan tâm đúng mức đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năng lực và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt, yếu kém. Hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng còn thiếu đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng còn bất cập. Nhiều nơi việc thực hiện, chấp hành các quy định về phòng ngừa tham nhũng không nghiêm, còn mang tính chiếu lệ, hình thức. Sự tham gia, giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể và của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong những năm tới chúng ta cần phải tạo một sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật mọi hành vi tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển./.
Nguồn binhthuancpv.gov.vn