Việc triển khai thực hiện Nghị định 87 sẽ ngăn chặn những cơ sở sản xuất không đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) có chất lượng, thông qua đó tỷ lệ các MBH có chất lượng lưu thông trên thị trường sẽ tăng so với trước đó.
Tại Việt Nam, hàng năm, tai nạn giao thông làm chết và bị thương hàng chục ngàn người dân, trong số đó tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra với người đi mô tô, xe máy chiếm khoảng 70%. Vấn đề này có nguy cơ trầm trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân tại Việt Nam đang ngày một cao với trên 7000 xe máy và 500 ô tô được đăng ký mới mỗi ngày.
MBH cho người đi mô tô, xe máy đạt chuẩn có thể giúp giảm được nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não do giảm nhẹ được tác động của lực lên đầu khi xảy ra va đụng giao thông. Đội MBH là biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và giảm tử vong do tai nạn giao thông gây ra, có thể giảm tới 42% nguy cơ tử vong, với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của mô tô, xe máy.
Tuy nhiên, mặc dù đội MBH đã mang lại kết quả thiết thực, song tình trạng chất lượng MBH hiện được sản xuất, sử dụng và bán trên thị trường cho người tiêu dùng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của việc đội MBH khi tham gia giao thông.
Theo thông tin của cơ quan chức năng cho biết, hoạt động mua, bán MBH không đạt chuẩn diễn biến rất phức tạp. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã tịch thu, tiêu hủy trên 1.500 MBH không đạt chuẩn, xử phạt gần 40 triệu đồng. Các đối tượng này thường bày bán trên vỉa hè, vào chiều tối, phần lớn nguồn hàng giả, kém chất lượng xuất phát từ các điểm sản xuất trái phép ngoại thành, di chuyển linh động, khiến công tác quản lý, kiểm soát vẫn còn khó khăn.
Từ ngày 1/7/2016, Chính Phủ ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP (Nghị định 87) quy định về điều kiện kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy. Ngày 1/7/2017 tới đây, nghị định sẽ có hiệu lực toàn phần, khi đi thẳng vào việc giám sát, quản lý từ khâu sản xuất tại các doanh nghiệp, đến quá trình lưu thông, bán ra thị trường. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để các nhà sản xuất MBH hướng tới môi trường cạnh tranh và phát triển lành mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Nghị định 87 Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Nghị định này đi vào cuộc sống là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà sản xuất, phân phối MBH hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới một thị trường cạnh tranh phát triển lành mạnh. Quan trọng hơn là những người tham gia giao thông có nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng MBH đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo về người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị định 87 sẽ hạn chế những cơ sở sản xuất không đủ điều kiện sản xuất MBH có chất lượng, thông qua đó tỷ lệ các MBH có chất lượng lưu thông trên thị trường sẽ tăng so với trước đó.
Hiện nay, Quy chuẩn QCVN 02:2008/BKHCN và Quyết định số 1024/QĐ-TĐC đang trong quá trình xem xét để kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả sự cạnh tranh không lành mạnh, mà không phải người sản xuất nào cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất và cung cấp cho thị trường mũ bảo hiểm phù hợp với các quy định của quy chuẩn quy chuẩn QCVN 02:2008/BKHCN. Chính vì vậy, việc chứng nhận phù hợp với quy chuẩn đối với MBH được tiến hành như là biện pháp quản lý quan trọng để bảo đảm chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường.
Đến nay, các chuyên gia của VINASTAS đã nghiên cứu các quy định của Quyết định số 1024/QĐ-TĐC và đề xuất các điểm cần xem xét điều chỉnh. Mục tiêu quan trọng của việc soát xét các quy định về chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm lần này chính là việc quản lý chất lượng phải hài hòa với việc cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Một điều dễ nhận thấy là hoạt động chứng nhận hợp quy ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng MBH lưu thông trên thị trường.
Vì vậy, một vấn đề cần cải thiện trước hết đó là bảo đảm chất lượng của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH theo đúng tinh thần của Nghị định 87 quy định về điều kiện kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy và quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02 sửa đổi.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 40% mũ bảo hiểm kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường, trong đó tỷ lệ mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn ở phía Bắc chiếm khá lớn. Để cùng chống mũ bảo hiểm kém chất lượng, đề nghị người dân khi phát hiện đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chất lượng cần chủ động báo cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan báo chí.
Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy đi vào đời sống được kỳ vọng sẽ giải quyết từ gốc vấn đề sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng nhằm giảm chấn thương vùng đầu do tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy.
|
Nguồn vietq.vn