Trong những năm gần đây, Bình Thuận đã tích cực chủ động triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường ở địa phương, đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm các sở, ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Hàng năm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động phối hợp, thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí. Thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra, rà soát, bổ sung danh sách các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả các biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở theo quy định của pháp luật. Trong 2 năm 2015, 2016, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 15 đợt kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực môi trường đối với 167 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp tỉnh, cụ thể: 25 cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở (xử phạt 927 triệu đồng); 4 cơ sở chế biến tinh bột mì, xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở (xử phạt 16,5 triệu đồng); 44 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển, xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở (xử phạt 540 triệu đồng); 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 46 trang trại chăn nuôi heo; 6 cơ sở chế biến mủ cao su; kiểm tra, lấy mẫu khí thải ống khói đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường 3 cơ sở chế biến bột cá; 30 cơ sở y tế, khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở khai thác, chế biến sa khoáng titan với tổng số tiền 1.380.000.000 đồng. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các kết luận kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã được kiểm tra.
Chú trọng “giải nhiệt điểm nóng”
Tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân từ đầu năm 2014, khi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa tổ máy số 1, số 2 vào vận hành và hòa mạng lưới điện thường xuyên xả khí thải, bụi và tro xỉ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Ngoài ra, trong quá trình thi công xây dựng của các dự án do chưa thường xuyên tưới nước nên khi có gió lớn, lốc xoáy đã cuốn bụi từ các công trình xây dựng xuống khu dân cư. Nguyên nhân là do trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp xử lý bụi xỉ và khí thải từ ống khói nhà máy theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.
Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vĩnh Tân, Tổ công tác 2896 (do UBND tỉnh thành lập), Tổ giám sát 875 (do UBND huyện thành lập) thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động và việc khắc phục ô nhiễm môi trường của các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Qua các đợt kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu xử lý vi phạm hành chính đối với 3 dự án (Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, dự án san gạt mặt bằng tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4) với tổng số tiền 550.000.000 đồng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử lý vi phạm đối với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với tổng số tiền 1.456.804.750 đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành quy trình thực hiện và giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa các dự án Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt (như Formosa ở Hà Tĩnh, Bauxite ở Đắk Nông) tại Công văn số 3896/UBND-KT ngày 21/10/2016.
Có thể nói, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo kịp thời trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu thẩm định sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã chú trọng đến các cơ sở dễ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề độc hại... Việc xử lý các vi phạm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kiên quyết hơn, hiệu quả hơn, nhờ vậy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh dần dần được giảm thiểu./.
Nguồn baobinhthuan.com.vn